Dọc suốt chặng đường lịch sử ngàn năm văn hiến, bánh dân gian đã đi vào đời sống của người Việt, lẫn thơ ca. Riêng bánh dân gian Nam bộ vừa mang nét đặc trưng riêng của ẩm thực vùng miền, vừa mang cả nền văn minh lúa nước, hồn quê Việt, kinh tế nông nghiệp vào từng chiếc bánh. Những chiếc bánh đầy màu sắc, được nhào nặn từ chính đôi bàn tay của những người không xa lạ, chính là người bà, người mẹ của chúng ta.
Bánh dân gian cô Chín
Ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, không ai không biết đến nghệ nhân bánh dân gian cô Chín của bà Trương Thị Chiều. 41 năm gắn bó với nghiệp làm bánh dân gian, đến nay đã hơn cái tuổi lục tuần, thế nhưng cứ đều đặn 4 giờ sáng bà Chiều lại thức dậy chuẩn bị các món bánh quê để đẩy xe đi bán.
Bà Chiều trải lòng, mỗi ngày bà làm 12 loại bánh như bánh tằm, bánh bò, bánh bèo, bánh chuối, bánh ít trần mặn, bánh ít trần ngọt, bánh trần bột bán, bánh bèo. Chủ yếu bán cho người lao động, học sinh, sinh viên. Bởi lòng đam mê, bà quyết tâm nối nghiệp làm bánh được truyền lại từ mẹ chồng, sức khỏe không đủ nhưng làm được tới đâu bà cứ làm.
“Làm quen rồi thì mình sắp xếp ổn được từng khâu, ngày xưa mình làm bánh phải xay bột ra làm, bây giờ áp dụng phương pháp mới, ăn phải ăn bằng mắt, những rau củ quả, cây trái tốt cho sức khỏe đập vô mắt của khách. Mình đưa những màu sắc đó vào trong món bánh của mình sẽ có những màu sống động làm cho hương vị của bánh ngon hơn, đặc biệt là vẫn bảo tồn được những giá trị của món bánh dân gian”, bà Chiều chia sẻ.
Xã hội ngày càng phát triển, ẩm thực cũng ngày càng phong phú hơn, để bánh dân gian không bị lãng quên và mai một, bà Chiều vẫn dày công biến tấu ra nhiều món ăn đa dạng vùng miền, không chỉ là những món bánh dân gian Nam bộ, mà đan xen thêm các món bánh của Huế để thay đổi khẩu vị của khách, vừa giữ được hồn quê Việt trong từng món bánh. Với bà Chiều mỗi ngày làm bánh là mỗi ngày đều phải học hỏi thêm, những món bánh có thể lúc đầu chưa đẹp, chưa ngon, nhưng cứ làm đi làm lại, trau dồi, thì kết quả sẽ đạt như bà mong muốn.
Nghệ nhân “hồi sinh” chiếc bánh bầu
Cùng chung niềm đam mê với bánh dân gian, bà Huỳnh Ngọc Lan ở TP Sóc Trăng được xem là một trong những nghệ nhân đã “hồi sinh” chiếc bánh bầu – một món bánh dân dã, truyền thống của người dân Sóc Trăng nhưng đã bị thất truyền theo thời gian.
Từng là cựu giáo viên, nhưng bà Lan lại đặc biệt có niềm đam mê với bánh dân gian. Ban đầu bà gắn bó với các món bánh mang phong cách Âu có giá trị kinh tế cao. Trong khi đó bánh dân gian của Nam Bộ lại có giá trị thấp. Từ lí do đó thôi thúc bà tìm tòi, nghiên cứu “nâng tầm” giá trị bánh dân gian, thông qua việc cải tiến mẫu mã, hình thức bánh.
Bánh bầu thay vì sử dụng nguyên liệu chính là trái bầu, bà Lan thay thế bằng cà rốt đi kèm với bột gạo, nước cốt dừa, nêm nếm gia vị đậm đà, màu sắc của cà rốt làm cho bánh trở nên bắt mắt với khách hơn. Đặc biệt là bánh vẫn luôn giữ hương vị, của ông bà truyền lại.
Bà Lan chia sẻ: “Bên cạnh bánh bầu là món đặc trưng của vùng đất Sóc Trăng, tôi còn sưu tầm và thực hiện khoảng 50 loại bánh dân gian. Mỗi loại bánh mang một hương vị khác nhau, nhưng nó là cả tâm huyết của nghệ nhân làm bánh đặt vào đó để giữ lại một chút hồn quê Việt trong từng chiếc bánh”.
Giao thoa văn hóa ẩm thực dân gian vùng miền
Tối 7/4, lễ hội Bánh dân gian Nam bộ đã chính thức khai mạc tại TP Cần Thơ, quy tụ 200 gian hàng với gần 100 loại bánh dân gian của các vùng miền, dân tộc trên khắp mọi miền của đất nước, cùng giao lưu, tìm hiểu và phát triển văn hóa ẩm thực dân gian Việt Nam.
Bà Ro Fi Ah ở huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang mang đến lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm nay món bánh bò và bánh Namparang truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, ra đời cách nay khoảng 80 năm, thường được người dân tộc Chăm sử dụng để thay thế cho các món ăn mặn trong tháng lễ chay Ramadan.
Bà Ro Fi Ah là thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp nối nghề làm bánh này. Món bánh được chuẩn bị từ những nguyên liệu khá đơn giản như bột mỳ, bột gạo, đường, nước cốt dừa, mè… hòa quyện với nhau tạo nên hương vị thơm nồng, giòn.